Giới thiệu

Người chấp nhận thách thức



Phong cách giản dị, cách nói chuyện mộc mạc, chân chất, vậy mà vì niềm đam mê bà đã từng đĩnh đạc đứng trên diễn đàn khoa học, trước hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học trong và ngoài nước để trình bày đề tài nghiên cứu cây hoàn ngọc (HN) – một dược liệu quý có khả năng trị viêm gan, u xơ, tiểu đường, điều chỉnh huyết áp….do chính mình tìm tòi, thử nghiệm. Bà là Bùi Kim Nga- Giám đốc DN Trà Hoàn Ngọc Bảy Nga Tây Ninh.

 

 

Không chỉ vì lợi nhuận

Với cây HN, có thể nói bà đã nắm trong tay cả một gia tài vô giá. Vì sao bà không chú trọng phát triển kinh doanh trà HN mà tập trung đầu tư vào nghiên cứu?

Tôi không phải là dược sĩ, không là nhà nghiên cứu. Nghề trồng cây HN cũng không phải cha truyền con nối, chỉ là tình cờ trong cơn bạo bệnh của cha, nghe người ta mách có cây HN chữa được nhiều loại bệnh thì lặn lội tìm mua. Khi cha đang bệnh nặng, bác sĩ bó tay, gia đình đang tuyệt vọng, vái tứ phương, thì phát hiện ra cây này, mừng quá. Thật không ngờ, cha tôi qua được cơn hiểm nghèo. Từ đó, tôi phát lòng thành muốn phổ biến cây thuốc này để giúp đỡ mọi người.

Vì vậy suốt ba năm, tôi đã chăm chỉ trồng HN, sau đó chế biến thành trà uống và mở những điểm uống trà miễn phí. Không ngờ, sau khi uống trà HN, nhiều người đến gặp tôi vui mừng chia sẻ là họ khỏi bệnh. Lúc đó, tôi cũng chưa có cơ sở để tin sự kỳ diệu của HN, nhưng sau thấy quá nhiều người nghèo chỉ dùng trà mà hết bệnh, tôi bắt đầu suy nghĩ, tổng hợp kết quả và tìm đến Viện Khoa học Công nghệ VN xin được nghiên cứu để được giải thích chính xác bằng khoa học (KH).

Với tôi kinh doanh thuốc không thể sòng phẳng như kinh doanh các sản phẩm khác. Việc bán trà HN tuy vẫn là chuyện kinh doanh, nhưng mức lợi nhuận tôi đặt ra rất ít, chủ yếu lấy nó để "đắp" vào chương trình đồng hành với người nghèo mang bệnh hiểm nghèo. Thậm chí khi xây xưởng, đầu tư thì tôi cũng phải bán bớt một số tài sản chứ chưa lấy lợi nhuận của trà HN để đầu tư cho nó.

Nói như vậy, bà kinh doanh hoàn toàn không vì lợi nhuận?

Khi tôi đem cây HN làm thử nghiệm độc tố bán trường diễn trình trước Hội đồng KH Nhà nước, nhiều nhà KH hỏi: “Vì sao bà dám làm thử nghiệm trước “mặt trời” như vậy", tôi nói: “Tôi chấp nhận thách thức vì con đường tôi đi là làm từ thiện chứ không phải vì lợi nhuận". Lúc đó, điều tôi tâm niệm là tâm huyết, là tấm lòng. Bản thân tôi cũng muốn làm tiếp, đầu tư nhiều hơn mà kết quả thử nghiệm làm dối, lỡ sau này phát hiện không tốt thì mình không chỉ bị lỗ mà còn hại người tiêu dùng. Kinh doanh miễn sao không lỗ, còn mục đích cuối cùng của tôi vẫn là làm từ thiện.

 

Cao hơn là sự cống hiến

Bà được học đến nơi đến chốn, hiểu biết rộng, kinh doanh giỏi nhưng tại sao vẫn quay về gắn bó với nghề nông, ruộng vườn?

Tôi rất yêu nghề nông, ruộng đồng. Tôi nghĩ, làm nông cũng là một nghề, cũng có thể kinh doanh và tạo ra giá trị lớn cho xã hội nên tôi dốc hết những gì tôi có để tập trung cho cây trồng. Cha tôi là người ủng hộ, phụ tôi rất nhiều, khi tôi đầu tư trồng cây HN, cha cũng giúp tôi một số tiền lớn.

Vốn đầu tư cho đề tài nghiên cứu cây HN rất lớn, nhưng bà đã tự lực xoay sở?

Để có vốn đầu tư, tôi phải lấy ngắn nuôi dài và tôi làm rất nhiều việc, từ trồng chôm chôm, trồng nhãn, mì , cà phê, bạch đàn, điều….,kể cả chăn nuôi để lấy tiền đắp vào dự án này và tiếp tục làm từ thiện.

Được biết, dự án của bà đã được Nhà nước rót vốn nghiên cứu, nhân rộng. Nếu Nhà nước không đầu tư, bà có dám bỏ tiền túi hoặc huy động vốn bên ngoài?

Sau thử nghiệm độc tố, các nhà KH đã phát hiện rễ HN có rất nhiều dược chất quý chữa bệnh. Năm 2010, Bộ Công thương và Chính phủ đã xem xét và quyết định đầu tư cho tôi 880 triệu đồng để tôi tiếp tục nghiên cứu. Sau hai năm, Nhà nước nghiệm thu và đánh giá cao đề tài về độ tinh khiết, hàm lượng. Năm 2012, Nhà nước lại cấp cho tôi 2,8 tỷ đồng theo vốn đối ứng, tôi bảy, Nhà nước ba để nghiên cứu đề án cấp Nhà nước: “Tạo chế phẩm phòng chống khối u từ cây HN” và giao cho tôi làm chủ nhiệm đề án. Khi thấy tôi nhận tài trợ kinh phí, nhiều người lo áp lực trách nhiệm của tôi sẽ nhiều hơn, tôi nói: “Không phải vì Nhà nước tài trợ kinh phí thì tôi mới nỗ lực, mà đó là sự khích lệ rất lớn để tôi ấm lòng và yên tâm nghiên cứu. Nếu Nhà nước không tài trợ, tôi cũng vẫn làm".

Xu hướng hiện nay chữa bệnh bằng thảo dược rất được ưa chuộng, bà có tính xuất khẩu trà HN?

Ao ước của tôi là sản phẩm làm ra trước hết là phục vụ cho người VN, bớt đi mầm mống bệnh tật, nâng cao tuổi thọ. Sản phẩm nếu ra nước ngoài thì phải có tiếng tốt thật sự để người VN không bị thế giới coi thường, vì vậy cần thời gian.

Lúc trước, khi tôi báo cáo xong đề tài KH, vừa bước chân xuống khán đài, nhiều nhà KH khen ngợi và hào hứng muốn tìm hiểu, tôi thấy tự hào lắm. Hoặc khi đề tài của tôi được đăng trên tờ báo nổi tiếng của thế giới, nhiều nhà KH gửi mail, điện thoại mời tôi hợp tác, kinh doanh, tham dự hội nghị và các dự án quốc tế, hỏi tôi muốn gì, muốn dự án phát triển làm sao, có muốn hợp tác với họ không? Nhưng hiện tại thì tôi chưa có ý định vì tôi muốn người dân VN có một sản phẩm tốt, giá phù hợp, đặc biệt là với những người bệnh nghèo.

 

Xin cảm ơn bà!