Giới thiệu

Người chuyên trồng cây Hoàn Ngọc tại Tây Ninh



Từ vài cây Hoàn Ngọc (HN) ban đầu chữa bệnh ung thư đại tràng cho cha, đến nay, sau gần 20 năm miệt mài chăm bón bà đã sở hữu một “tài sản quý giá” hơn 20 hecta trồng HN đạt chuẩn. Đây có thể nói là vườn trồng HN đầu tiên và lớn nhất trong cả nước, bà là Bùi Kim Nga – Giám đốc DN Trà Hoàn Ngọc Bảy Nga Tây Ninh, được bà con thương mến gọi là “bà Bảy từ thiện”.

 

“Tôi là rùa nên cần cố gắng hơn”

Chúng tôi đến thăm nơi sản xuất trà HN của bà Bảy Nga giữa lúc bà đang cặm cụi ngoài vườn. Nhìn bà lọt thỏm trong vườn cây bạt ngàn xanh mướt, mồ hôi nhễ nhại, nếu chưa biết trước thì chắc tôi cũng không nghĩ bà là một nữ doanh nhân đã từng đĩnh đạc đứng trên diễn đàn khoa học, trước hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học để trình bày đề tài nghiên cứu cây HN – một dược liệu quý có khả năng điều trị nhiều bệnh khác nhau.

Thấy sự ngạc nhiên của tôi, bà Bảy giải thích: “Đây là giống cây thuốc mới, chưa có đề tài nghiên cứu nào hướng dẫn về cách trồng, chăm bón nên có thể bị sâu bệnh, nấm,… Hơn nữa, cây trồng này không phải gieo bằng hạt, mà phải trồng từng cây, cây kén đất lắm, không chịu nắng, không chịu mưa, nhiều nước quá cũng chết, nếu bỏ bê khi trồng, không chăm sóc tốt thì sẽ không có hàm lượng các chất chữa bệnh. Vì vậy, tôi phải nghiên cứu từng chút, từ đất trồng, cách chăm sóc cho cây theo từng độ tuổi, nghiên cứu xem vụ nào thu hoạch có hàm lượng cao, dùng phân nào, từng cụm, từng cây phải ghi chú, làm dấu, ghi sổ để theo dõi, sau đó chọn cây tốt khỏe để nhân giống. Tôi coi mỗi cây HN ở đây như con của mình mà chăm sóc tốt nhất, còn ra tận Viện Nông hóa mua công nghệ làm phân vi sinh để đảm bảo cho cây dược liệu sạch, không dùng phân bón hóa học cây không độc, người dùng an toàn và cánh đồng sạch…

Để có hơn 20 hec ta vườn trồng HN như hiện nay tiêu hao công sức của tôi lớn lắm. Nhưng tôi cảm thấy vui vì là niềm đam mê thực sự, đến nỗi không còn biết lo cho bản thân. Sáng sớm mở mắt ra, chỉ cầm cái lược đẩy qua đầu, hoặc túm tóc cho gọn gàng là chạy ngay đến vườn, quên đói, quên khát, đến chừng ai đưa cho ca nước uống ừng ực một hơi mới biết mình đang khát nước. Tâm trí tôi dành hết cho đứa con tinh thần này, ban ngày thì ngoài vườn, đêm về thì chong đèn tìm tòi các tài liệu nghiên cứu khoa học để tập hợp, nhặt nhạnh tất cả những gì tốt nhất để cố gắng giảm bớt vấp váp, thất bại. Nhiều lúc nghĩ mình cũng may mắn và có cơ duyên với HN. Bởi nhiều năm trước, cũng có một số người, trong đó có cả Giám đốc Bưu điện Tây Ninh cũng mua được cây này, nhưng không có cơ duyên để phát huy nó tốt nhất. Riêng với tôi, hiện nay tuy giống cây này không tìm được nữa nhưng may mắn và cố gắng tôi vẫn giữ và phát triển được vườn cây 20 hec ta này xanh tốt.

Do trình độ, kiến thức mình có hạn, lại không phải là nhà khoa học nên muốn nghiên cứu, muốn cho cây HN một vị trí xứng đáng dĩ nhiên tôi sẽ gặp khó khăn hơn, nhưng tôi tự nhủ: Mình như một con rùa, nếu cặm cụi học hành, chịu khó tìm tòi, học những sai sót của người khác để tránh những sai sót cho mình, lắng nghe mọi người thì cũng sẽ có ngày về đến đích”.

Và cái đích đang đến gần…

Không phải nghề cha truyền con nối, thậm chí không học dược sĩ nhưng lại là người dành hết tâm huyết để trồng, nghiên cứu cây dược liệu quý HN, chứng kiến nỗi khổ công của bà để có được thành phẩm như hôm nay khiến chúng tôi thán phục lòng yêu nghề của người phụ nữ vùng biên này.

Bà Bảy Nga giải thích cho niềm đam mê của mình bằng câu chuyện cách đây 20 năm: “khi cha tôi bị bệnh ung thư đại tràng di căn lên phổi, gan, bác sĩ bệnh viện Nguyễn Tri Phương lắc đầu trả về, nhìn thấy cha đau đớn trong căn bệnh nguy kịch, xót xa lòng, tôi không thể ngồi yên. Tìm thầy, tìm thuốc khắp bốn phương, tám hướng và trong lúc tuyệt vọng, có người cho biết cây HN có khả năng chữa bệnh. Lặn lội ra Bắc vào Nam cuối cùng cũng may mắn mua được nó. Sau ba ngày sắc lá HN uống, thật kỳ diệu cha tôi qua được cơn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe bình phục dần.

Tôi mừng rỡ và có ý định phát triển phổ biến cây thuốc này để phát lòng thành, giúp đỡ mọi người. Chính vì cơ duyên đó mà đến nay tôi đã sở hữu một vườn HN “vô giá”.

Thấy tác dụng của cây HN “ngộ” quá, bà vắt óc suy nghĩ, rồi tổng hợp kết quả, lặn lội ra đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam xin được nghiên cứu để giải thích chính xác giá trị dược liệu của cây HN bằng khoa học. Vì không muốn dừng lại ở việc mày mò “biến” cây trồng thành sản phẩm trà túi lọc tiện lợi giúp biết bao người nâng cao sức khỏe, đẩy lùi được bệnh tật, trong đó có bệnh nan y. Bà còn ấp ủ công trình đưa HN trở nên đa dạng hơn, phù hợp hơn cho người tiêu dùng.

Thực ra, trước đó đã có nhiều tài liệu khoa học chứng minh lá cây HN chữa được nhiều bệnh, nhưng bà vẫn không ỷ lại vào những nghiên cứu này để tạo ra sản phẩm, mà tự mình bỏ thời gian đi tìm tòi, thử nghiệm thêm. Bà Bảy Nga tâm sự: “Đã có tài liệu chứng minh khả năng chữa bệnh của lá nhưng thực tế chưa có thử nghiệm nào công bố chính xác. Hơn nữa, đã có nghiên cứu giá trị của lá thì mình phải tìm thêm giá trị ở các bộ phận của cây để tận dụng cho hết. Thật ra, khi nghĩ đến rễ cây, tôi chỉ nghĩ đơn giản trong một cái cây thì bộ rễ bao giờ cũng tốt hơn và chứa nhiều tinh túy hơn. Ngoài ra, tôi thấy nó có mùi thơm, vị ngọt thanh như cây sâm nên tôi nghĩ dùng được và tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm. Kết quả thật bất ngờ, rễ cây có rất nhiều dược chất quý vượt trội hơn những bộ phận khác”.

Chỉ nghĩ và làm đơn giản như chính con người chân chất mộc mạc của mình nhưng cuối cùng bà và đứa con tinh thần HN đã được bù đắp. Hiện nay, Nhà nước đã đầu tư cho bà nghiên cứu, sản xuất chế biến viên nang hỗ trợ phòng chống khối u.

Để công việc hoàn thành, chắc chắn bà Bảy Nga sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo bà: Làm gì cũng phải kiên nhẫn, tâm huyết thì bất cứ trở ngại nào cũng vượt qua và không làm mình chùn bước.