Giới thiệu

“Nam dược trị nam nhân”



Nhân kỷ niệm 58 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2013), ngày 27/2, tại Nhà hát TP.HCM, Bộ Y tế phối hợp với Đài Truyền hình VN tổ chức chương trình truyền hình “Người VN ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra cuộc trao đổi của các nhà quản lý, nhà sản xuất kinh doanh dược phẩm về thực trạng, tiềm năng và triển vọng của ngành dược. Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, hiện nay, VN có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, bao gồm 98 doanh nghiệp sản xuất tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu và trên 300 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. Ngành công nghiệp dược VN ngày càng phát triển, chất lượng thuốc sản xuất trong nước ngày càng được nâng cao và đảm bảo tới tận tay người sử dụng.

Về giá thuốc sản xuất trong nước, ông Nguyễn Quý Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Dược VN kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội DN dược cho biết, giá thuốc trúng thầu của VN thấp hơn giá thuốc trúng thầu của các nước trong khu vực. Khảo sát của Viện chiến lược và Chính sách y tế cho thấy giá trúng thầu của thuốc gốc của VN thấp hơn so với mặt bằng chung quốc tế.Thực tế, trong nhiều năm qua, theo Tổng cục thống kê, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm luôn luôn thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng. "20 năm qua, ngành dược đã đầu tư rất lớn cả chiều rộng và chiều sâu, là một ngành sản xuất và phân phối đòi hỏi công nghệ cao với nhà xưởng, kho tàng hiện đại, thiết bị công nghệ tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, các cơ sở nghiên cứu triển khai hiện đại cùng nguồn nhân lực có trình độ cao nên đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng và hiệu quả ” – ông Sơn khẳng định.

Bà Phạm Thị Việt Nga – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Hậu Giang trăn trở, dù các doanh nghiệp đã được Các cơ quan quản lý: Bộ Y tế, Cục Quản lý dược luôn tạo điều kiện phát triển, tuy nhiên khả năng nắm bắt kịp thời khoa học kỹ thuật tiến tiến vần còn hạn chế; những thuốc mới, thuốc đặc trị chưa có nhiều trong danh mục; chi phí quảng cáo, tiếp thị bị khống chế 10% giá thành sản xuất nên việc tiếp cận người tiêu dùng chưa đạt hiệu quả cao.

Thực tế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất dược phẩm chất lượng cao trong bối cảnh thị trường diễn ra những cuộc cạnh tranh mạnh mẽ. Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, bà Bùi Kim Nga – DNTN Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh cho biết, mới đây, doanh nghiệp này đã đầu tư kinh phí cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để sản xuất các chế phẩm chất lượng cao từ cây hoàn ngọc nhằm góp phần giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí trong phòng chống bệnh tật.

"Nhà máy sắp tới của dự án sử dụng công nghệ hiện đại, đạt vệ sinh. Đặc biệt là chúng tôi không chỉ chú trọng nâng tầm quy mô nhà máy mà còn đầu tư nguồn nguyên liệu phong phú, chủ động nuôi trồng cây hoàn ngọc theo quy trình GAP. Kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch sao cho tính dược trong cây đạt cao nhất.

Hai sản phẩm sắp tới là kết quả từ tâm huyết và tài lực của nhà nước, các nhà khoa học nên yếu tố về khoa học, lâm sàng…đã được nghiên cứu và chứng minh rất kỹ. Đó là niềm tin cho khách hàng khi sử dụng những sản phẩm của DN.

Việc tạo nguồn nguyên liệu hóa dược cho sản xuất là hết sức cần thiết đối với nhu cầu phát triển của ngành dược và nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Tôi sẽ cố gắng phát triển thêm vườn trồng, cũng là góp một phần công sức bảo tồn và phát triển nguồn dược quý của đất nước. Ngoài ra, cùng với các nhà khoa học nghiên cứu hết tiềm năng của cây hoàn ngọc.

 Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền khẳng định, VN là một trong số ít nước có nền y học cổ truyền (YHCT) lâu đời. Và hiện nay là một trong những nước có nền YHCT phát triển trên thế giới. Phương châm người Việt dùng thuốc Việt là kế thừa quan điểm của người xưa: “Nam dược trị Nam nhân” (Tuệ Tĩnh). Theo ông Khánh, không chỉ người Việt dùng các dịch vụ YHCT mà đã và đang có nhiều người nước ngoài sử dụng các dịch vụ YHCT.